Ngành Cơ học kỹ thuật:
Mục tiêu của ngành Cơ học kỹ thuật là đào tạo các kỹ sư có khả năng thực hành tốt, nắm vững các kiến thức cơ bản về Cơ học, Toán học, Vật lý và đặc biệt là Công nghệ thông tin để nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp lý thuyết và thực nghiệm hiện đại, kỹ thuật mô hình hoá trong thực tiễn kỹ thuật cũng như trong công tác nghiên cứu sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới.
Kỹ sư tốt nghiệp ngành Cơ học kỹ thuật có thể công tác tại các cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo, các cơ quan thiết kế, quản lý khác nhau trong nền kinh tế quốc dân.
Đối với 3 chuyên ngành đào tạo tại Khoa Cơ học kỹ thuật, các mục tiêu có thể:
+ Chuyên ngành Cơ học thủy khí công nghiệp và Môi trường đào tạo các kỹ sư đạt trình độ tiên tiến, nắm vững các kiến thức cơ bản về Cơ học, Toán học, Vật lý, Công nghệ thông tin và một số kiến thức về hoá học, sinh học:
Các kỹ sư này có khả năng sử dụng thành thạo kỹ thuật mô hình hoá (vật lý hay vật lý - toán), tính toán, đánh giá, phân tích các quá trình thủy khí công nghiệp (chú trọng dầu khí, năng lượng), tính toán dự báo, giám sát ô nhiễm, nắm vững những đặc thù của một số quá trình công nghệ môi trường, sử dụng thành thạo các phương pháp mới của công nghệ thông tin liên quan.
Kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành này có thể trở thành các chuyên gia kỹ thuật công nghệ hoạt động trong các cơ quan quản lý, các xí nghiệp sản xuất, cơ sở công nghiệp năng lượng, khai thác dầu khí, bảo vệ môi trường hoặc các Viện nghiên cứu liên quan.
+ Chuyên ngành Cơ học Kỹ thuật Biển đào tạo các kỹ sư đạt trình độ tiên tiến được:
Trang bị các kiến thức Cơ học cơ bản, hiện đại, tổng hợp và thực tế về kỹ thuật Biển.
Có khả năng ứng dụng các phương pháp hiện đại của cơ học kỹ thuật Biển trong tính toán cơ sở thiết kế, trong khai tác tài nguyên biển và các lĩnh vực liên quan.
Có khả năng làm việc trong các công ty thiết kế, xây dựng, có thể giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong các cơ sở liên quan tới cơ học kỹ thuật Biển.
+ Chuyên ngành Cơ điện tử đào tạo các kỹ sư có kiến thức cơ bảnvững, có kỹ năng thực hành tốt, có khả năng nắm bắt các vấn đề kỹthuật, công nghệ luôn đổi mới trong lĩnh vực này. Trang bị cho sinh viên các kiến thức và khả năng tổng hợp liên ngành để sáng tạo, thiết kế và chế tạo sản phẩm mới trong ngành Cơ điện tử.
Các kỹ sư chuyên ngành Cơ điện tử có thể làm việc tại các phòng thiết kế, phòng kỹ thuật, phòng thí nghiệm của các nhà máy, tổng công ty, các liên hiệp sản xuất, có thể làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu triển khai tại các trường đại học, các viện nghiên cứu về cơ học, điện tử, điều khiển, cơ khí, máy và tự động hoá.
Ngành Vật lý kỹ thuật:
Đào tạo cử nhân Vật lý kỹ thuật theo một số chuyên ngành mới phát triển ở nước ta, trước mắt là hai chuyên ngành: Công nghệ quang tử và Công nghệ nanô, để đáp ứng nhu cầu về nhân lực khoa học công nghệ cho các viện nghiên cứu, các trường đại học về khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp sản xuất các vật liệu, linh kiện, thiết bị điện tử và công nghệ thông tin.
Yêu cầu về đào tạo:
Về Toán học: Ngoài các kiến thức giải tích và đại số, sinh viên còn học các môn toán học hiện đại để làm cơ sở cho việc học các môn vật lý lượng tử và các môn kỹ thuật.
Về Vật lý: Ngoài các kiến thức về vật lý cổ điển, sinh viên cần học các môn vật lý hiện đại để làm cơ sở cho việc học các môn chuyên ngành.
Về Công nghệ thông tin: Sinh viên cần được học để sử dụng thành thạo các phương pháp và công cụ của công nghệ thông tin trong công tác.
Về các môn chuyên ngành: Sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng tham gia nghiên cứu các vấn đề thuộc các chuyên ngành đào tạo và học lên các bậc cao hơn hoặc có khả năng làm việc độc lập trong các xí nghiệp sản xuất các vật liệu, linh kiện và thiết bị thuộc các chuyên ngành đào tạo.
Ngành Công nghệ Cơ điện tử:
Về kiến thức: Trang bị những kiến thức cơ bản, toàn diện, hiện đại và liên ngành về cơ khí, điện tử, tin học, tự động hoá và khoa học vật liệu một cách hệ thống và khả năng tích hợp, ứng dụng các hệ thống nhằm tạo ra các hệ thống cơ điện tử mới. Có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu chuyên môn và giao tiếp thông thường.
Về kỹ năng: Ngoài kỹ năng vận hành, hiệu chỉnh, khai thác và sửa chữa các thiết bị hiện đại và hệ thống cơ điện tử, cử nhân Công nghệ Cơ điện tử còn có kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng tự nghiên cứu, lập dự án, triển khai và quản trị dự án.
Về năng lực: Có khả năng ứng dụng tính toán, phân tích và xử lý các tình huống như một kỹ sư trong lĩnh vực cơ điện tử; có khả năng thiết kế, phát triển sản phẩm mới; có khả năng nghiên cứu, triển khai ứng dụng và giảng dạy.
Về thái độ: Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, say mê khoa học và tự rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn.
nguồn: dantri.com.vn